Có thể nói, Long An được ưu ái khi sở hữu vị trí trọng điểm là cửa ngõ giao thông giữa TP.HCM và các tỉnh miền Tây Nam bộ, liên kết cảng biển và biên giới giao thương với Vương quốc Campuchia. Để tận dụng tốt những sở hữu đắc địa về vị trí địa lý, trong những nhiệm kỳ qua, với tầm nhìn xa, trông rộng, các thế hệ lãnh đạo tỉnh luôn xác định tầm quan trọng hết sức to lớn của đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đến sự phát triển KT - XH của tỉnh. Liên tục các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh gần đây, Long An đã chọn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ là chương trình đột phá; xây dựng các công trình giao thông huyết mạch kết nối vùng, miền, hướng tới tương lai là các công trình trọng điểm. Theo đó, nhiều tuyến đường đã được đầu tư với nguồn lớn tập trung xây dựng hoàn thiện như Đường tỉnh (ĐT) 823, ĐT824, ĐT825, ĐT826, ĐT826B,... tạo nên một hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh. Các tuyến đường này hầu hết kết nối các khu, cụm công nghiệp (K,CCN), các đô thị mới hình thành trên địa bàn tỉnh với TP.HCM. Đáng chú ý, tuyến ĐT830 kết nối các địa phương vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh từ Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, kết nối các K,CCN đến hệ thống cảng biển và kết nối với TP.HCM đã cơ bản hoàn chỉnh đi vào hoạt động. Xrm thêm chi tiết: Long An: Phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ gắn với thu hút đầu tư Giám đốc Công ty TNHH Hải Sơn - Trịnh Văn Hải cho biết: Thời gian qua, chính quyền các cấp tỉnh Long An rất quan tâm đến việc phát triển hạ tầng giao thông. Trong đó, các tuyến đường mới đều kết nối với nhau, tạo nên một chuỗi kết nối liên hoàn, thông suốt từ các K,CCN đến cảng biển. Điều này đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa cho doanh nghiệp trên địa bàn đi và đến TP.HCM và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.