Thêm nhà khoa học của ĐH Duy Tân trong top Việt Nam ở ngành môi trường Lĩnh vực Khoa học Môi trường năm 2023 (Best Scientists in the field of Environmental Sciences) có 3 nhà khoa học Việt Nam mới vừa được Research.com xếp hạng. TS. Trần Nguyễn Hải xếp vị trí thứ 2 Việt Nam và thứ 4.687 thế giới Trong đó có TS. Trần Nguyễn Hải - Giám đốc Trung tâm Vật liệu Môi trường & Năng lượng, Viện Nghiên cứu Khoa học Cơ bản & Ứng dụng (IFAS), Đại học (ĐH) Duy Tân xếp vị trí thứ 2 Việt Nam và thứ 4.687 thế giới. Những "quả ngọt" của niềm đam mê nghiên cứu khoa học cùng mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa cho lĩnh vực Khoa học Môi trường của Việt Nam đã được TS. Trần Nguyễn Hải chia sẻ với nhiều điều thú vị. * Website Research.com vào ngày 17/4/2023 vừa qua ghi nhận anh là 1 trong 3 nhà khoa học của Việt Nam có tên trong Bảng xếp hạng các Nhà khoa học xuất sắc nhất thuộc lĩnh vực Khoa học Môi trường năm 2023. Anh có thể chia sẻ về điều này? - Hơn 11.000 học giả liên quan chuyên ngành Khoa học Môi trường đã được tra cứu và tìm hiểu bởi Research.com năm 2023. Tuy nhiên, chỉ có 3 nhà khoa học Việt Nam được xếp hạng là: - GS.TS. Phạm Hùng Việt (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội), - TS. Trần Nguyễn Hải (Trường ĐH Duy Tân), và - PGS.TS. Từ Bình Minh (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội). Bảng xếp hạng về chuyên ngành này dựa trên chỉ số D-index (chỉ bao gồm các bài báo và giá trị trích dẫn cho một chuyên ngành được kiểm tra). Một nhà khoa học sẽ được đánh giá vào Bảng xếp hạng này nếu có D-index >30 (kèm theo điều kiện là phần lớn các công bố của họ thuộc lĩnh vực Khoa học Môi trường). Cơ sở dữ liệu liên quan đến các nhà khoa học được thu thập tự động từ OpenAlex và CrossRef. Trắc lượng thư mục (bibliometrics) để đánh giá các chỉ số dựa trên trích dẫn được thu thập đến ngày 21/12/2022. Bên cạnh đó, Research.com cũng đưa ra quy tắc xác minh bổ sung nhằm đảm bảo rằng chỉ những nhà khoa học đáng tin cậy mới được đề cập trong bảng xếp hạng này. Công tác này được thực hiện hoàn toàn thủ công: kiểm tra từng hồ sơ và đối chiếu chéo hồ sơ đó với các công bố ở nhiều nguồn đáng tin cậy khác nhau. * Anh chia sẻ về nỗ lực để có được kết quá này? - Sau nhiều năm nỗ lực nghiên cứu khoa học với mục tiêu đặt chất lượng lên hàng đầu, số lượng các bài báo thuộc hạng Q1 của tôi trong lĩnh vực Khoa học Môi trường theo WoS chiếm gần 70% và chỉ số trích dẫn trên 7.300 lần (theo cơ sở dữ liệu (CSDL) của Google Scholar. Để tiếp cận nhiều ý tưởng nghiên cứu mới và các giải pháp khoa học - công nghệ tiên tiến, tôi luôn chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Nhóm nghiên cứu hiện tại của tôi bao gồm các giáo sư đầu ngành và Tiến sỹ trẻ ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như: Úc, Pháp, Anh, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Algeria và Việt Nam. Hiện tại, tôi là thành viên Ban biên tập cho 12 tạp chí quốc tế chuẩn ISI. Điển hình là các tạp chí: Water Science and Technology (thuộc NXB của Hiệp hội Nước Quốc tế; IWA), Science of the Total Environment và Chemosphere (NXB Elsevier), Environment, Development and Sustainability (Springer), và Journal of Chemical Technology & Biotechnology (Wiley). Đây là những tạp chí uy tín và có quy trình phản biện nghiêm túc. Ba năm liên tiếp, tôi được ghi nhận trong danh sách 100.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Môi trường, cụ thể: hạng 13.713 (năm 2022), hạng 14.704 (năm 2021) và hạng 25.844 (năm 2020). Danh sách này do GS. Ioannidis và cộng sự từ ĐH Stanford nghiên cứu (dựa trên CSDL của Scopus) và công bố hàng năm (trên tạp chí PLoS Biology). TS. Trần Nguyễn Hải là thành viên Ban biên tập cho 12 tạp chí quốc tế chuẩn ISI * Trong quá trình nghiên cứu, những đề tài hay dự án mà anh tâm huyết nhất đã được ứng dụng trong thực tiễn là gì, thưa anh? - Hướng nghiên cứu chính của tôi là phát triển các vật liệu tiên tiến để ứng dụng trong xử lý ô nhiễm môi trường. Các dự án mà tôi và các đồng nghiệp vô cùng tâm huyết đã và đang được tiếp tục triển khai để đưa vào ứng dụng trong thực tiễn có thể kể đến như: "Nghiên cứu tổng hợp vật liệu tiên tiến (cacbon hình cầu/hydroxide cấu trúc lớp kép) ứng dụng trong xử lý nước ô nhiễm" với mục tiêu chính là phát triển vật liệu tiên tiến có khả năng xử lý tốt các chất ô nhiễm trong môi trường nước cùng một lúc. "Xử lý thành công arsen, người dân nông thôn có nước sạch hàng ngày" (do TS. Nguyễn Tiến Vinh chủ trì) đã lắp đặt thử nghiệm bộ lọc cho 3 trường mầm non, gần 300 bộ đặt trong các hộ dân ở các xã thuộc Hà Nam, Hà Tây đồng thời đã bàn giao hệ thống lọc nước cho Trường Dân tộc Bán trú thuộc huyện Bố Trạch, Quảng Bình. * Được biết, anh có thời gian làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, vì sao anh lại chọn trở về Việt Nam để công tác và cụ thể là làm việc trong nhóm nghiên cứu về Vật liệu Môi trường và Năng lượng thuộc Viện IFSA của ĐH Duy Tân? - Tìm đến ĐH Duy Tân, tôi kỳ vọng về một địa chỉ làm việc năng động và mới mẻ để khuyến khích các nhà khoa học phát huy năng lực bản thân. Tôi nhận thấy ĐH Duy Tân đang có sự quan tâm rất lớn đầu tư cho nghiên cứu khoa học cũng như có những chính sách đãi ngộ xứng đáng cho các nhà khoa học để công bố các công trình chất lượng. Đặc biệt, nhà trường đầu tư hệ thống các phòng thí nghiệm hiện đại và chuyên sâu cũng như luôn tạo điều kiện để các nhà khoa học kết nối với cộng đồng quốc tế, tạo nên những nhóm nghiên cứu mạnh để có nhưng công trình nghiên cứu ý nghĩa cho cộng đồng. Điều này đã mang đến một môi trường làm việc rất thuận lợi để các nhà khoa học phát huy năng lực trong từng lĩnh vực nghiên cứu mà mình theo đuổi. * Theo anh những điều kiện cần phải có để các nhà khoa học làm việc thuận lợi trên chính quê hương mình là gì? - "Lá rụng về cội", đây là chính sách và là châm ngôn mang tính đột phá dẫn đến sự phát triển vượt bậc về Khoa học & Công nghệ của Trung Quốc. Ở nhiều nước khác, cũng có những chính sách rất tốt để thu hút các nhà khoa học về nước cũng như tạo các điều kiện tốt nhất để họ làm việc. Hay chính các nhà khoa học cũng đã kết hợp tạo ra các mạng lưới để hỗ trợ lẫn nhau làm việc để có kết quả tốt nhất. Việc có một môi trường làm việc thuận lợi không chỉ giúp "giữ chân" các nhà khoa học mà còn tạo niềm hứng khởi để mỗi nhà khoa học phát huy và cống hiến với những công trình nghiên cứu có ích phục vụ cho quá trình phát triển chung của quốc gia, của nhân loại. * Anh nhận định như thế nào về năng lực nghiên cứu cũng như những điều cần lưu ý trong quá trình nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học trẻ hiện nay? - Phải ghi nhận rằng những nỗ lực và thành tích nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ Việt Nam hiện nay là rất đáng trân quý. Việc sẵn sàng tiếp thu cái mới (open-minded) là yếu tố quyết định sự thành công trong nghiên cứu khoa học. Do đó, các nhà khoa học trẻ cần liên tục tìm hiểu thêm các nghiên cứu khoa học có liên quan hay chuyên sâu để tự cập nhật và tích lũy thêm kinh nghiệm. Các nhà khoa học trẻ cần phải tăng cường hợp tác quốc tế, thu nhận kiến thức từ các giáo sư nước ngoài đồng thời cần tham gia các khóa học như: cách trở thành Nhà bình duyệt cho các Tạp chí quốc tế (ACS Reviewer Lab). Nguồn: https://tuoitre.vn/them-nha-khoa-ho...-nam-o-nganh-moi-truong-20230527104034904.htm